Followers

Bài mở đầu

Người đăng: Doctor Van Thanh Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử đấu tranh với thiên nhiên, trong đó có cuộc đấu tranh với bệnh tật và chết chóc. Khoa học y học đã dần dần trưởng thành trong cuộc đấu tranh này. hơn một thế kỉ nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học, y học đã phát triển rất mạnh, những thông tin về y học đã đến mức mà mỗi người khó có thể nắm bắt hết được, việc chuyên khoa hoá đã thật sự là cần thiết, không thể tránh được. Do đó, xu hướng chuyên khoa sớm đã làm cho học viên và cả người thầy thuốc ngày nay có thể lâm vào nguy cơ là biét thật sâu trong một phạm vi thật hẹp. chính là để tránh nguy cơ này, ngay từ bước đầu, cần trang bị cho người thầy thuốc tương lai những nguyên lí chung nhất của bệnh lý học, tức là sinh lý bệnh học. Sinh lý bệnh học (hay gọi tắt là sinh lý bệnh) giới thiệu cho họ những quy luật chung của hoạt động cơ thể khi bị bệnh, của các quá trình bệnh lý điển hình, những khái niệm lớn về y học để họ tự tìm lấy hướng đi của mình trong “rừng rậm bệnh lý”.

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ NỘI DUNG
Sinh lý bệnh là môn học nghiên cứu về những quy luật hoạt động của cơ thể bị bệnh trong những trường hợp bệnh lý cụ thể, rồi từ đó rút ra những quy luật hoạt động của các quá trình bệnh lý điển hình và cuối cùng để tìm hiểu những quy luật hoạt động của bệnh nói chung.
Cụ thể, sinh lý bệnh nghiên cứu :
Những nguyên nhân và điều kiện gây bệnh, cơ chế phát sinh, phát triển và kết thúc của các quá trình bệnh lý.
Những biến đổi bệnh lý về chức năng của các hệ thống, cơ quan và tổ chức.
Nếu cơ thể bình thường hoạt động theo các quy luật được tìm hiểu trong sinh lý học, thì trong điều kiện bệnh lý nó cũng tuân theo những quy luật nhất định. Những hiện tượng bệnh lý dù muôn hình muôn vẻ song một số lớm vẫn có thể xếp vào những quá trình bệnh lý điển hình như viêm, sốt, nhiễm khuẩn, vv ... Có những quy luật đặc hiệu mà sự hiểu biết về nó sẽ giúp đi sâu vào bản chất của bệnh, nghĩa là hiểu bệnh là gì để phòng bệnh và chữa bệnh cho người.
Sinh lý bệnh mà nội dung chủ yếu là y học thực nghiệm dù mới hình thành từ giữa thế kỉ 19 nhưng đến nay đã trở thành một một khoa học bao trùm lên nhiều môn khác, và như theo lời Cơ-lốt Bec-na (Claude Bernard) thì “nó đã trở thành một khoa học cao hơn, cần thiết hơn, rộng hơn và chung hơn”.
Nội dung của môn sinh lý bệnh gồm có 2 phần lớn :
sinh lý bệnh đại cương nghiên cứu về những khái niệm chung (khái niệm về bệnh, bệnh nguyên và bệnh sinh, vv ...) và những quá trình bệnh lý điển hình (rối loạn chuyển hoá, viêm, sột, u nhiễm khuẩn vv ...).
sinh lý bệnh bộ phận nghiên cứu quy luật hoạt động của từng cơ quan, hệ thống bị bệnh (máu, tuần hoàn, hô hấp vv ...), nghiên cứu những rối loạn chức năng trong từng bệnh cụ thể.

II. VAI TRÒ CỦA SINH LÝ BỆNH TRONG Y HỌC
Cũng như các môn y học cơ sở khác, sinh lý bệnh có một địa vị quan trọng trong y học.
1.Sinh lý bệnh là cơ sở của y học hiện đại : Cơ-lốt Bec-na đã đánh giá “y học thực nghiệm là cơ sở của y học hiện đại”, mà y học thực nghiệm lại chính là nội dung chủ yếu của sinh lý bệnh. Lịch sử loài người đã trải qua nhiều thời kì văn minh cổ đại trong đó y học cũng đã có những thành tựu nhất định như y học Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, vv...; nhưng những nền y học cổ đại này đã gặp bế tắc , không phát triển được là vì không có cơ sở vật chất, không có thực nghiệm mà lại đi sâu vào những lí luận trừu tượng , duy tâm , thần bí. Sự phát triển của y học hiện đại - còn gọi là Tây y – ngày nay được liên tục và mạnh mẽ chính là nhờ ở cơ sở thực nghiệm. Ngay như trong trào lưu y học hiện đại trên thế giới, nơi nào thống trị một học thuyết trừu tượng, giáo điều thì nền y học đó cũng bị trì trệ. Trái lại, nước nào mà y học thực nghiệm phát triển thì ở nước đó, y học đạt được những thành tựu huy hoàng nhất, có những cống hiến lớn nhất cho loài người.
Nói một cách cụ thể hơn nữa, sinh lý bệnh không những là cơ sở của y học hiện đại mà còn cơ sở trực tiếp của lâm sàng : có thể nói, một phần quan trọng của sinh lý bệnh là sinh lý bệnh lâm sàng. Ngoài ra, sinh lý bệnh , như đã nêu trên, còn làm nhiệm vụ tổng hợp các thành tựu của các công trình, phân tích, tìm hiểu các quy luật bệnh lý trong những bệnh cụ thể.
2.sinh lý bệnh là lý luận của y học. Từ chỗ nghiên cứu quy luật hoạt động của từng bệnh cụ thể, nghiên cứu quy luật hoạt động của từng hệ thống, cơ quan bị bệnh, rồi đến quy luật của các quá trình bệnh lý điển hình, môn sinh lý bệnh tìm cách khái quát hoá để tìm hiểu quy luật của bệnh nói chung, như quy luật hoạt động của các yếu tố gây bệnh. Đến mức cao nhất, con người có thể đi sâu tìm hiểu bản chất của bệnh là gì và chỉ có thế, con người mới khống chế được bệnh tật.
3. Cuối cùng, sinh lý bệnh còn soi sáng công tác dự phòng và điều trị, và đây mới là mục đích chính, mục đích cuối cùng của môn sinh lý bệnh. Chỉ có hiểu rõ nguyên nhân và điều kiện gây bệnh , cơ chế phát sinh, phát triển của bệnh thì mới làm tốt công tác phòng bệnh cũng như chữa bệnh. Không những cần biết rõ nguyên nhân và điều kiện gây bệnh mới để phòng tốt được bệnh mà còn cần phải có những quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa nguyên nhân và điều kiện cúng như giữa con người với môi trường (trong đó có xã hội) thì công tác dự phòng mới chu đáo được. Trong công tác điều trị, nhờ những công trình nghiên cứu sinh lý bệnh thực nghiệm và điều trị thực nghiệm mà rất nhhiều vấn đề đã được giải quyết : vấn đề bệnh sinh của bệnh đái tháo đường tuỵ đẫ được giải quyết nhờ thí nghiệm cắt tuỵ, từ đó người ta đã điều trị có kết quả bằng insulin. Trong 3 phương pháp điều trị (bệnh nguyên, bệnh sinh và triệu chứng) thì hai phương pháp trên tốt hơn cả. Biết được nguyên nhân gây bệnh mà tiêu diệt ngay từ đầu, đó là điều lý tưởng, song đáng tiếc là ngày nay còn nhiều bệnh vẫn chưa rõ nguyên nhân. ngay như phương pháp điều trị triệu chứng, mặc dù mang nặng tính đối phó cũng cần phải có sinh lý bệnh soi sáng ở chỗ là cần nắm bệnh sinh của triệu chứng đó thì cho thuốc mới không sai nguyên tắc điều trị. Thí dụ trong sốt , nếu hiểu đó là một phản ứng bảo vệ của cơ thể thì không phải bao giờ cũng dùng thuốc giảm sốt.

III. VỊ TRÍ CỦA SINH LÝ BỆNH TRONG Y HỌC
Sinh lý bệnh quan hệ mật thiết với một số môn như sinh lý học, sinh hoá học, giải phẫu bệnh học, và đặc biệt là y học lâm sàng.
Muốn hiểu được sinh lý bệnh , phải nắm vững sinh lí học, vì mọi rối loạn đều xuất phát phát từ hoạt động bình thường và chỉ khi biết rõ giới hạn của những hoạt động này thì mới hiểu đâu là bệnh lý. Nhưng việc hiểu rõ đâu là giới hạn của những hoạt động bình thường không phải bao giờ cũng dễ dàng vì khả năng thích nghi của cơ thể là rất lớn, lai luôn luôn thay đổi.
Sinh lý bệnh liên quan chặt chẽ với sinh hoá học. Sinh hoá học nghiên cứu quá trình chuyển hoá trong cơ thể khoẻ mạnh, còn sinh lý bệnh lại đi sâu vào những rối loạn chuyển hoá trong cơ thể bị bệnh. Hơn thế nữa, sinh hoá học hiện đại đã phát hiện các cơ chế bệnh sinh ở mức độ men, phân tử.
Sinh lý bệnh và giải phẫu bệnh liên quan mật thiết với nhau, tới mức ở Anh, Mỹ người ta gộp hai môn đó là một, dưới danh từ “bệnh lý đại cương”. Hai môn học dùng hai phương pháp khác nhau để nghiên cứu cùng một đối tượng chung : cơ thể bị bệnh. Chính những thay đổi về hình thái (đại thể và vi thể) đã làm sáng tỏ những thay đổi về chức năng, đã là cơ sở vật chất trên đó được xây dựng những giả thuyết về các cơ chế bệnh lý.
Nhưng mối quan hệ mật thiết nhất của sinh lý bệnh vẫn là với lâm sàng. trong giáo dục y học, có thể nói sinh lý bệnh là cầu nối giữa các môn y học cơ sở và y học lâm sàng. Nó tổng hợp các môn y học cơ sở (sinh lý, sinh hoá, giải phẫu bệnh, vv ...) để chuẩn bị cho học viên vào lâm sàng bằng cách giới thiệu cho họ những quy luật hoạt động của cơ thể bị bệnh, những phương châm y học và y tế đúng đắn. Dựa vào những quy luật và phương châm đó, học viên có thể đi vào “rừng rậm lâm sàng” mà không sợ lạc hướng. Nhưng chính lâm sàng lại là nơi áp dụng thực tế những điều đã học trong sinh lý bệnh, lâm sàng còn là nơi xảy ra biết bao nhiêu vấn đề chưa biết cần được giải thích, được nghiên cứu. Như vậy, lâm sàng bao giờ cũng là nguồn cung cấp tài liệu cho sinh lý bệnh nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, với kết quả nghiên cứu đó trở lại phục vụ cho lâm sàng, hiểu rõ bệnh hơn. Nếu như trong quá trình y học hiện nay, môn sinh lý bệnh được giảng trước môn bệnh lý học là để học viên hiểu được những quy luật chung trước khi đi vào những cái riêng, thì khi học môn bệnh lý học lâm sàng lại soi sáng, củng cố những khái niệm , quy luật đã học trước đó. Đó là không kể về mặt nghiên cứu, phát triển y học thì lâm sàng bao giờ cũng là “hòn đá thử vàng” của mọi giả thuyết đã được xây dựng trong sinh lý bệnh và bao giờ cũng vẫn là nguồn đề tài tìm tòi khoa học. Như I. Páp-lốp đã nói rất đúng : “ Vấn đề cuối cùng của sự tìm hiểu bệnh tật vẫn thuộc về lâm sàng”.
Tóm lai, dựa vào tài liệu thực nghiệm, sinh lý bệnh đã xây dựng một cơ sở lý luận khoa học cho y học lâm sàng; đồng thời dựa vào những nhu cầu thực tế, lâm sàng nêu vấn đề cho sinh lý bệnh nghiên cứu và kiêm tra, đánh giá những kết quả rút từ thực nghiêm trên động vật.

IV. PHƯƠNG PHÁP TRONG SINH LÝ BỆNH
Phương pháp trong sinh lý bệnh chủ yếu là phương pháp thực nghiệm , nghĩa là xuất phát từ những quan sát khách quan một hiện tượng bệnh lý, đứng trên quan điểm duy vật mà đề ra giả thuyết thích hợp và cuối dùng dùng thực nghiệm để chứng minh xem giả thuyết đó có phù hợp với thực tế không. Muốn sử dụng tốt phương pháp thực nghiệm thì cần có một “đầu óc khoa học”, nghĩa là tính độc lập trong lý luận, không có thiên kiến, cần có nghi nhờ khoa học song lại tin tưởng tuyệt đối vào quyết định luận khoa học (tức là sự liên quan tuyệt đối và cần thiết giữa các hiện tượng).
Từ trước tới nay, có rất nhiều phương pháp thực nghiệm , nhưng tuỳ đối tượng và mục đích nghiên cứu mà có thể dùng phương pháp này hay phương pháp khác.
1. Phương pháp giải phẫu - lâm sàng : theo phương pháp này, người ta gây ở động vật một mô hình thực nghiệm giống như ở người, rồi từng thời gian, hi sinh con vật để quan sát sự tiến triển của bệnh. Phương pháp này cho một hình ảnh động, sát thực tế, chứ không phải tĩnh như khi mổ xác người bệnh. Phương pháp này gần đây phát triển mạnh với kính hiển vi điện tử và hoá học tế bào.
Mặt hạn chế của phương pháp này là ở chỗ nó cho một hình ảnh tương đối tĩnh và tại chỗ của một hiện tượng động, diễn biến liên tục, dễ làm cho người quan sát chú ý nhiều tới những thay đổi tại chỗ mà coi nhẹ, thậm chí quên mất những thay đổi của toàn thân trong bệnh lý.
2. Phương pháp phân tích (còn gọi là phương pháp thí nghiệm cấp tính, phương pháp cơ quan cô lập) là phương pháp nghiên cứu chức năng của từng cơ quan tách rời khỏi cơ thể và cho thấy ảnh hưởng của những kích tố nhất định trên cơ quan đó (thí nghiệm tim ếch cô lập, tai thỏ cô lập vv...). Mặc dù đã có nhiều cống hiến đối với y học, phương pháp phân tích có một số nhược điểm : thường gây ra tổn thương trên cơ thể, kích thích từng cơ quan riêng biệt một cách nhân tạo, tiến hành nghiên cứu dưới điều kiện gây mê, thời gian quan sát lại ngắn vv... nên thường không lột tả được hết bản chất của quá trình bệnh lý một cách đầy đủ và có hệ thống. Ngoài ra, phương pháp phân tích không trả lời được câu hỏi khi một cơ quan thay đổi hoạt động thì ảnh hưởng của nó đối với các cơ quan khác như thế nào. Cuối cùng, cơ quan cô lập hoạt động có thể khác hẳn khi nó ở trong cơ thể toàn vẹn.
3. Để tránh những bất tiện kể trên, người ta dùng phương pháp tổng hợp, tôn trọng sự nguyên vẹn của cơ thể con vật thí nghiệm mà chỉ đánh giá một chức năng, qua những chất được đưa vào hoặc thải ra. Thí dụ đánh giá chức năng của thận bằng cách phân tích nước tiểu và máu. Phương pháp này tôn trọng cơ thể như một khối toàn vẹn, song không giải quyết được vấn đề là phần nào của cơ thể đã quyết định những thay đổi mà người ta thấy. Nó chỉ cho những chỉ số chung chung. Tuy nhiên với những tiến bộ mới của khoa học như sử dụng đồng vị phóng xạ, phương pháp này có thể cho những kết quả chính xác hơn, đặc hiệu hơn, thí dụ sử dụng iốt 131I để thăm dò chức năng tuyến giáp.
4. Hiện nay, người ta dùng phối hợp cả hai phương pháp phân tích và tổng hợp. Thí dụ, trong chuyển hoá, nếu phương pháp tổng hợp cho biết kết quả chung về chuyển hoá toàn cơ thể, thì phương pháp phân tích sẽ cho biết chi tiết quá trình đó trong từng cơ quan một bằng cách phân tích máu vào và máu ra ở cơ quan đó, và sâu hơn nữa là trong các tế bào như thế nào. Phương pháp thí nghệm trường diễn của Pap-lốp cũng được coi như một phương pháp phối hợp : cơ quan cần được nghiên cứu được đặt vào một vị trí dễ quan sát bằng phẫu thuật, chú ý tránh cắt dây thần kinh
đến cơ quan đó, chờ cho con vật hoàn toàn hồi phục rồi mới tiến hành thí nghiệm. Phương pháp thí nghiệm trường diễn cho phép quan sát cả ảnh hưởng của những cơ quan khác lên cơ quan đó. Trong dạ dày nhỏ của Páp-lốp, người ta có thể theo dõi ảnh hưởng của thần kinh, của tình trạng chung toàn cơ thể như sốt, nhiễm khuẩn đối với hoạt động của dạ dày. Ngày nay, với việc xử dụng rộng rãi đồng vị phóng xạ, phương pháp phối hợp phát triển mạnh mẽ.
5. Ngoài ra, để tìm hiểu quá trình bệnh lý, người ta còn dùng phương pháp bệnh lý học so sánh : so sánh quá trình bệnh lý ở loại động vât khác nhau để tìm ra những điểm giống và khác nhau. Nghiên cứu phản ứng viêm ở những loài động vật trên bậc thang tiến hoá, Mét-nhi-cốp đã đi tới kết luận :hiện tượng thực bào là hiện tượng phổ biến nhất, chung nhất ở các loài động vật có trình độ phát triển khác nhau.
Nói tóm lại, với phương pháp khoa học, với kĩ thuật chính xác và vận dụng rộng rãi khoa học cơ bản (toán, lý, hoá), môn sinh lý bệnh đã góp phần làm cho y học từ một nghệ thuật (vì không có quy luật nhất định) trở thành một khoa học chính xác (có quy luật rõ ràng), từ những hiểu biết có tính chất kinh nghiệm thành một lí luận chính xác.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Blog Archive