Followers

Thai kì và bệnh gan

Người đăng: Doctor Van Thanh Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Thai kỳ ảnh hưởng như thế nào đối với gan và sức khỏe chung ở người phụ nữ đã có bệnh gan mãn tính? Bệnh gan mãn tính ảnh hưởng như thế nào đối với bào thai? Bệnh gan nào có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai mà không hề có bệnh gan trước đó?

I.Thai kỳ ở phụ nữ bệnh gan mãn tính:

Phần lớn phụ nữ có bệnh gan vẫn có thể mang thai , thai kỳ bình thường và sinh ra đứa con mạnh khỏe. Tuy nhiên có một số trường hợp , bệnh gan ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và em bé.

1.Xơ gan mất bù và thai kỳ:

Xơ gan thường ảnh hưởng đến kinh nguyệt và khả năng thụ thai. Vì vậy người phụ nữ xơ gan , đặc biệt là xơ gan mất bù , khó có thể thụ thai . Người phụ nữ xơ gan mất bù khi có thai có nguy cơ cao xảy ra biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Khỏang 15---20% sẽ sẩy thai. Có nhiều nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu. Hơn nữa người phụ nữ xơ gan mất bù dễ phát triển suy gan trong quá trình mang thai mặc dù chưa rõ tỉ lệ xảy ra là bao nhiêu.

Chảy máu do vỡ tỉnh mạch thực quản là nguy cơ lớn nhất cho phụ nữ mang thai bị xơ gan mất bù. Chảy máu do dãn tỉnh mạch thực quản thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, tỉ lệ 20—45% ở phụ nữ có tăng áp lực tỉnh mạch cửa. Khỏang 10% xảy ra sau khi sanh. Tử vong xảy ra do dãn tỉnh mạch thực quản ở những phụ nữ này là 10---18%. Tùy theo chảy máu xảy ra ở tam cá nguyệt nào của thai kỳ mà em bé có cơ may sống sót hay không. Người phụ nữ xơ gan mất bù khi muốn có thai nên nội soi thực quản để xem mức độ của dãn tỉnh mạch thực quản. Nếu có dãn tỉnh mạch thực quản nên dùng thuốc beta-blocker như propanolol. Nên nhớ rằng propanolol có thể gây nhịp tim chậm cho thai nhi và sự chậm tăng trưởng thai nhi. Những phụ nữ đã có chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản , khuyên không nên có thai. Nếu muốn có thai phải làm phẫu thuật bắt cầu nối cửa –chủ. Phụ nữ có thai bệnh gan mãn tính kèm xơ gan do rượu thì tiên lượng rất xấu , nếu xơ gan mật nguyên phát thì tiên lượng tốt hơn.

Mặc dù nguy cơ biến chứng cao, nhưng vẫn có một số phụ nữ xơ gan mất bù vẫn có thai thành công và sinh con không có biến chứng. Điều quan trọng ở những phụ nữ này là phải có chuyên khoa về gan giỏi theo dõi sát thai kỳ và bác sĩ sản khoa giỏi về thai kỳ biến chứng. Thai nhi phải được theo dõi sát .Nếu có dấu hiệu thai bị chấn động, hay bilirubin tăng cao nên xem xét cho sinh sớm. Những đứa con sinh ra còn sống vẫn phát triển tốt.

2.Viêm gan B mãn tính và thai kỳ:

Phụ nữ viêm gan B mãn tính vẫn có thể mang thai tốt không diễn tiến xơ gan mất bù trong thai kỳ. Có thể có tăng men gan trong thai kỳ dù rất hiếm. Sự lây truyền siêu vi B sang thai nhi trong thai kỳ rất hiếm. Nhau thai là rào ngăn cản an tòan không cho lây siêu vi B sang thai nhi. Tuy nhiên khỏang 15% lây qua nhau trong trường hợp nhau bị rỉ máu từ mẹ sang trong trường hợp thai có nguy hiểm như sẩy thai….Tuy nhiên lây siêu vi B chu sinh thì rất phổ biến , 90% trường hợp mẹ nhiễm siêu vi B với HBeAg dương tính có lây cho con. Bị nhiễm siêu vi B do mẹ lây sang chiếm 40% người nhiễm siêu vi B ở các vùng dịch tễ chẳng hạn như châu Á và châu Phi. Tỉ lệ lây nhiễm tương tự như nhau giữa sinh thường và sinh mỗ. Trẻ nhiễm siêu vi B mới sinh thường không có triệu chứng , một số phát triển có triệu chứng. Trẻ mới sinh có mẹ nhiễm siêu vi B nên tiêm vaccin và globulin miễn dịch siêu vi B trong vòng 24 giờ sau sinh. Việc tầm sóat những người mẹ mang thai nhiễm siêu vi B là rất cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm siêu vi B.Những người mẹ nhiễm siêu vi B khuyên không nên cho con bú mặc dù bằng chứng lây nhiễm siêu vi B qua con đường sữa mẹ chưa được rõ ràng. Dĩ nhiên nếu núm vú có trầy sướt , chảy máu thì rất dễ lây. Việc điếu trị cho người mẹ mang thai viêm gan B mãn họat động nên trì hõan sau sinh vì nguy cơ các thuốc điều trị siêu vi B gây quái thai.

3.Viêm gan C mãn tính và thai kỳ:

Người phụ nữ viêm gan C mãn tính thường có thai kỳ yên ổn ít khi có sự cố vì bệnh gan thường ổn định không diễn tiến tới xơ gan mất bù. Lây nhiễm siêu vi C từ mẹ sang con rất hiếm , khỏang 3—7%. Nếu người mẹ đồng nhiễm HIV thì tỉ lệ càng tăng. Nếu mẹ có nhiễm HIV và có điều trị trước khi mang thai thì sự lây HCV sẽ giảm hơn. Nếu mẹ có nồng độ HCV cao hơn 2 triêu copy/ ml vào 3 tháng cuối của thai kỳ hay lúc sanh thì khả năng lây cho con cao. Tuy nhiên cũng có vài nghiên cứu cho rằng không có lây HCV từ mẹ sang con mặc dù nồng độ virus cao. Những thủ thuật như chọc ối, thăm dò máu thai nhi……nên tránh vì làm lây nhiễm HCV. Sanh khó , chẳng hạn như vỡ ối kéo dài….làm tăng nguy cơ lây HCV . Một số chuyên gia cho rằng sinh mỗ không làm lây HCV từ mẹ sang con. Tuy nhiên điều này cũng chưa có bằng chứng chính xác.

Không cần thiết test xem em bé có AntiHCV hay không trong 18 tháng đầu đời, do sự lây truyền bị động từ mẹ sang em bé. AntiHCV sẽ hiện diện ở trẻ mới sinh , tuy nhiên không có cách nào xác định trẻ có viêm gan C hay không. Thật vậy thường Anti HCV sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn 6 tháng. Sự lây nhiễm được xác định khi AntiHCV hiện diện ở trẻ lớn hơn 18 tháng hay HCVRNA hiện diện ở trẻ hơn 2 tháng và xét nghiệm phải làm ít nhất 2 lần mỗi lần cách nhau 3—4 tháng. Mặc dù HCV có trong sữa mẹ, nhưng nuôi con bằng sữa mẹ thì an tòan không sợ lây HCV sang con ngọai trừ núm vú có trầy sướt , chảy máu. Trẻ em có khả năng tự lọai bỏ HCV ra khỏi cơ thể với tỉ lệ cao. Trong một nghiên cứu cho thấy 75% trẻ em có khả năng tự lọai bỏ HCV sau 2 tuổi. Như vậy trẻ em có khả năng tự lọai bỏ HCV cao hơn người lớn ,tuy nhiên điều này cũng cần nghiên cứu thêm mới khẳng định được.

Việc điều trị cho phụ nữ mang thai viêm gan C nên trì hõan cho đến sau khi sinh, vì đa phần các thuốc điều trị đều có thể gây quái thai.

4.Viêm gan tự miễn và thai kỳ:

Trong nhiều trường hợp , viêm gan tự miễn trầm trọng có thể làm mất kinh nguyệt do đó không thể mang thai. Tuy nhiên khi điều trị bằng corticosteroids và azathioprine kinh nguyệt có thể trở lại và thụ thai có thể xảy ra. Phụ nữ viêm gan tự miễn có thể mang thai thành công và sinh đẻ được.

Sự tăng men gan có thể xảy ra trong thai kỳ nhưng hiếm có thể do tác dụng của sự ức chế miễn dịch trên thai kỳ. Thật vậy có phụ nữ đã tự khỏi được bệnh khi mang thai. Vì cơ hội khỏi bệnh hiếm nên phụ nữ mang thai nên có duy trì điều trị trong khi mang thai. Ở liều thấp prednisone và azathioprine có thể an tòan cho thai kỳ. Tuy nhiên để an tòan nên ngưng ngay azathioprine khi phát hiện có thai vì có nhiều nghiên cứu thuốc có thể gây quái thai. Nếu dự tính có thai nên ngưng azathioprine 6 tháng trước khi mang thai. Ursodeoxycholic acid và cholestyramine có thể dùng điều trị an tòan trong thời gian mang thai. Thường khuyên phụ nữ viêm gan tự miễn nên trì hõan có thai cho đến khi điều trị xong bệnh.

Mặc dù hiếm nhưng người ta vẫn thấy thai chết lưu hay sẩy thai xảy ra ở phụ nữ viêm gan tự miễn. Nên có kế họach theo dõi thai kỳ kỹ lưỡng : hạn chế dịch, muối, không dùng thuốc không cần thiết…….để bảo đảm an tòan tối đa cho mẹ và thai nhi…

5.Thai kỳ và bệnh gan do rượu:

Người phụ nữ bệnh gan do rượu thì rất cằn cỗi. Khi mang thai mà tiếp tục uống rượu thì thai nhi có nguy cơ cao bị dị dạng . Người ta gọi chung sự dị dạng này là hội chứng dị dạng bào thai. Những đứa trẻ này sinh ra có gan lớn , xơ hóa , tăng men gan. Những đứa trẻ này bị viêm gan mãn tính lúc mới sinh. Những bất thường khác : chậm phát triển tâm thần , chậm tăng trưởng , khiếm khuyết xương sọ, não , mặt . Điều này khuyên phụ nữ không nên uống rượu trong thai kỳ.

6.Xơ gan mật nguyên phát và thai kỳ:

Người phụ nữ xơ gan mật nguyên phát thông thường vẫn có thể có thai và sinh đẻ mà không có biến cố. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khỏang hơn phân nửa trường hợp có thai chết lưu , sẩy thai và gan của mẹ sẽ xấu hơn khi mang thai. Điều này hay xảy ra ở trường hợp bệnh gan đang tiến triển. Ngứa nhiều có thể xảy ra khi mang thai , nhưng có thể điều trị bằng cholestyramine. Mặt khác ngứa thỉnh thỏang lại cải thiện tình trạng thai kỳ. Ursodeoxycholic acid có thể trị xơ gan mật nguyên phát mà vẫn an tòan cho thai kỳ.

7.U gan và thai kỳ:

Hầu hết khối u gan phát hiện ở phụ nữ có thai thường là lành tính. Những khối u này thường là u tuyến , u tăng sinh , u mạch máu. Những khối u này có thể lớn lên , vỡ ra trong thai kỳ do nồng độ cao estrogen. Nhưng may thay những biến chứng này thường hiếm. Nếu khối u vỡ , phải phẫu thuật ngay lập tức , như vậy thì nguy hiểm cho thai .Vì vậy nên xem xét phẫu thuật cắt bỏ u khi khối u lớn hơn 5cm , hay có triệu chứng , trước khi mang thai.

8.Ghép gan và thai kỳ:

Sau khi ghép gan hầu hết phụ nữ còn kinh nguyệt sẽ có kinh trở lại trong vòng một năm , kinh cũng có thể trở lại sớm 6 tuần sau khi ghép gan. Vì vậy sau khi ghép gan phụ nữ vẫn có thể mang thai và sinh sản. Tuy nhiên họ nên chờ ít nhất 1 năm , hoặc tốt là 2 năm sau khi ghép gan mới nên mang thai. Thuốc ức chế miễn dịch nên tiếp tục dùng trong thai kỳ dù có ít ảnh hưởng đến thai. Nồng độ thuốc ức chế miễn dịch nên được theo dõi sát và kỹ lưỡng. Thông thường hay có hiện tượng sinh non hay trẻ nhẹ cân. Những người phụ nữ ghép gan có thai phải được theo dõi kỹ lưỡng bởi chuyên gia gan và sản khoa. Khỏang 70% sinh được con khỏe mạnh bình thường . Không nên ghép gan khi đang mang thai.

II. Bệnh gan phát triển trong quá trình mang thai:

Trong thai kỳ bệnh gan có thể phát triển ở phụ nữ chưa hề có bệnh gan trước đó. Khi bệnh viêm gan do siêu vi xảy ra trong quá trình mang thai thì diễn tiến bệnh không khác khi xảy ra trước mang thai ngọai trừ viêm gan do siêu vi E. Viêm gan do siêu vi là nguyên nhân phổ biến nhất gây vàng da trong quá trình mang thai. Những nguyên nhân khác của vàng da có thể viêm gan do thuốc , do sỏi mật . Sỏi mật thường hay xảy ra trong thai kỳ và nhất là ở phụ nữ có bệnh gan trước đó chẳng hạn xơ gan mật nguyên phát . Hơn nữa do túi mật gần gan nên sỏi mật hơi có triệu chứng giống bệnh gan có thể gây tăng men gan.

III Ảnh hưởng của viêm gan virus trên thai phụ

Viêm gan virus cấp trong thai kỳ: Việc chẩn đoán xác định virus gây bệnh phải dựa vào các xét nghiệm huyết thanh. Ở những vùng có tỷ lệ người tiếp xúc và miễn dịch với virus A cao, thủ phạm gây viêm gan cấp ở người lớn thường là virus B và E.

Các trường hợp viêm gan E có tỷ lệ thai chết lưu và sinh non cao hơn nhiều so với các loại viêm gan virus khác; nhưng nhìn chung nguy cơ này rất thấp.
Virus E (HEV) là nguyên nhân quan trọng gây viêm gan nặng cho thai phụ. Trong mùa dịch, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 20%. Tuy nhiên, cơ chế của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Virus herpes simplex (HSV), varicella zoster (VZV), cytomegalo (CMV) và epstien-barr (EBV) là những nguyên nhân gây viêm gan không có biểu hiện lâm sàng và không có vàng da, vàng mắt. Ở các nước phương Tây, HSV là nguyên nhân quan trọng gây viêm gan nặng cho thai phụ. Tỷ lệ tử vong do suy gan cấp có thể lên đến hơn 90% mà cơ chế sinh bệnh vẫn chưa được biết rõ. Chẩn đoán thường gặp khó khăn vì biểu hiện bệnh không điển hình, đặc biệt là ở bệnh nhân thường có những yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, có bệnh ác tính (lymphomas, ung thư máu, ghép tạng).
EBV không gây nguy cơ gì đặc biệt trên thai phụ nhưng CMV lại là tác nhân gây viêm gan thường gặp ở thai phụ và người suy giảm miễn dịch với nhiều hậu quả nguy hiểm, nhất là tình trạng lây nhiễm cho thai nhi.
Suy gan cấp: Trừ trường hợp viêm gan E, tỷ lệ suy gan cấp không gia tăng ở thai phụ và việc điều trị cũng tương tự như ở phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ sẩy thai rất cao, thường trên 50%. Ngoài ra, tình trạng thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhỏ cân cũng thường thấy hơn.
Viêm gan virus mạn tính: Một nghiên cứu trên 1.700 phụ nữ Italy trong lứa tuổi sinh đẻ cho thấy có 29 người (1,7%) mang kháng thể HCV dương tính. Trong 8 người đồng nhiễm với HIV thì chỉ 2 người có xét nghiệm chức năng gan bất thường trong lúc mang thai và theo dõi trong vòng 6 tháng không thấy bất thường cho cả mẹ và con. Tại Ireland , sau 17 năm nghiên cứu theo dõi diễn tiến trong thời gian dài trên 232 phụ nữ bị nhiễm HCV, có đến 2,4% bị xơ gan.

Diễn biến của thai kỳ và tình trạng sức khỏe của thai nhi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay, chưa có đủ bằng chứng để xác định ảnh hưởng của thai kỳ trên diễn biến của viêm gan virus mạn tính không có các biến chứng (như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa). Thai phụ bị xơ gan dù do nguyên nhân gì, có tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì thường dễ bị xuất huyết và gây tử vong cho thai nhi.

Có đến 15% thai phụ bị nhiễm viêm gan B và việc điều trị viêm gan B mạn tính ở thai phụ cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, cần lưu ý là thuốc kháng virus thường không có chỉ định sử dụng trong thai kỳ.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Blog Archive